top of page
Trần Đức Trung

Nhạc Trịnh: âm hưởng đầu tiên của tôi


Tôi thấy 9x là một giai đoạn rất... buồn cười. Chúng tôi tận hưởng đủ cái thời xem băng đĩa, mò ti-vi. Nhưng cũng lại là những người đầu tiên đón nhận những tiện nghi của đời sống hiện đại, của Internet và thời đại kỹ thuật số. Chúng tôi vô tình thành thế hệ dẫn đầu trong công cuộc đổi mới của cách mạng 4-5.0, nhưng những kí ức thơ bé về thời điểm “chưa có gì” vẫn luôn khiến chúng tôi xao xuyến.


Mọi thứ đã quá khác kể từ cái ngày tôi bật mở cái đài cát-sét (cassette) ở nhà để tiếng ca trong đó thôi hát được ba câu lại ngừng mười lăm phút, nhưng có những thứ không hề thay đổi. Như việc cứ nghe đến nhạc Trịnh (đặc biệt phải là giọng Khánh Ly) là trong tôi lại dâng nhiều xúc cảm khác nhau. Hôm nay ngày 01/04, tròn 21 năm ngày ông mất, tôi lại mở nhạc Trịnh Công Sơn, và nghĩ suy.


Nhạc Trịnh và những nỗi buồn

Bài học đầu tiên tôi được học trong lớp story-telling là kỹ thuật “show, don’t tell” - cho thấy, chứ đừng kể. Những nghệ sĩ vĩ đại là những người không nói thẳng cảm xúc của họ, nhưng mọi người vẫn phần nào cảm nhận được. Hồi nhỏ, dù không hiểu những bài hát của Trịnh Công Sơn có ý nghĩa gì. Nhưng tôi có thể cảm nhận được một thứ phủ đầy trong các ca khúc tôi nghe: nỗi buồn.


Trịnh Công Sơn vốn không sinh ra đã thành nhạc sĩ. Năm 1957, ông gặp một tai nạn khi tập Judo. Năm 18 tuổi, ba ông mất, gánh nặng đè hẳn lên người con trai duy nhất trong nhà là ông. Sau lần phải nằm bệnh viện khi chịu liên tiếp những chấn thương, cả về thể xác lẫn tinh thần, Trịnh Công Sơn mới tiến đến chặng đường âm nhạc.


Sự hoang mang của tuổi trẻ khi đã đối diện với sống-chết ảnh hưởng nhiều đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn, qua những câu như thế này: "Đời sao im vắng. Như đồng lúa gặt xong. Như rừng núi bỏ hoang.” (Ru Ta Ngậm Ngùi). Không có chữ “buồn” nào trong câu hát, nhưng nỗi cô đơn vẫn dạt dào.


Nỗi buồn của ông khiến tôi khó hiểu thời còn nhỏ. Nhưng chỉ khi đã trải qua khủng hoảng hiện sinh, người ta mới hiểu nỗi buồn “để một mai tôi về làm cát bụi” là có thật.


Nếu Haruki Murakami kể cho người đọc câu chuyện về khủng hoảng tuổi trẻ qua Rừng Na Uy bằng việc cô Naoko mãi không chịu lớn, hay cậu Kizuki quyết định rời xa cõi thế khi chỉ mới 17 tuổi, thì tôi học được điều đó qua nhạc Trịnh.


Tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa


Ấn Độ giáo có một vị thần tên là Shiva - vị thần của cả sự hủy diệt, lẫn tái sinh. Người Ấn cho rằng, có hủy diệt, mới có tái sinh. Con người ta sau khổ đau sẽ như được sinh ra thêm lần nữa. Đó là thứ tôi học được sau khi may mắn vượt qua cơn khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Và đó cũng là tôi học được khi nghe nhạc Trịnh.


Trịnh Công Sơn nói: “Hãy đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Giai đoạn trước 1975, nhiều ca khúc của ông không được phép hát, ông cũng gặp nhiều khó khăn trong chặng đường âm nhạc. Nhưng vẫn lại là ông phát biểu trên đài phát thanh Sài Gòn vào ngày 30/04, hát ca khúc “Nối vòng tay lớn” mừng độc lập, tự do. Ông là người ví nỗi cô độc mênh mông như "đồng lúa gặt xong", nhưng cũng là ông vẫn luôn "xin chờ những rạng đông".


Cuối cùng thì, cuộc đời vẫn đẹp, ngay cả những nỗi buồn cũng đẹp nếu biết nhìn thẳng vào nó và vượt qua nó. Phải có khủng hoảng hiện sinh, người ta mới trả lời được câu: “Chúng ta là ai và sinh ra để làm gì” để thực hiện những gì được cho là nhiệm vụ trong cõi sống.


Có lẽ sau khi đã trải nghiệm đủ những “Phôi pha” của cuộc đời, Trịnh Công Sơn mới nhận ra rằng “Con người sống trên đời, chỉ cần một tấm lòng thôi”.

Để yêu người, và yêu cả mình nữa.


8 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


GIỚI THIỆU

Blog “1990s” là nơi cóp nhặt và lưu giữ những hình ảnh và kỷ niệm đẹp về tuổi thơ thế hệ 8x và 9x đời đầu. Trang Web được thành lập bởi nhóm sinh viên lớp Báo Mạng Điện Tử CLC K39 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

ĐĂNG KÝ ĐỂ KHÔNG BỎ LỠ THÔNG TIN!

Cảm ơn bạn đã đăng ký

TIN NỔI BẬT

  • Facebook
  • Instagram
  • TikTok
bottom of page