Thuở còn bé dù chưa thể xỏ giày ra sân thi đấu, không biết đọc chiến thuật hay phân tích trận đấu nhưng có một điều lạ là tôi lại yêu thích, lại đam mê môn thể thao vua này đến vậy và chính vì lẽ đó nên tôi đã học được khá nhiều điều từ bóng đá.
Giống như nhiều đứa trẻ ở thế hệ 8x 9x, khi nhỏ chúng tôi không có quá nhiều thứ để chơi vào mùa hè và riêng bản thân tôi cũng không cảm thấy thích thú với những trò chơi ngày ấy. Thế nhưng, vào các năm chẵn, mùa hè mà tôi luôn mong chờ bởi lúc đó sẽ diễn ra giải đấu bóng đá Euro (giữa các quốc gia Châu Âu) và World Cup (giải bóng đá lớn nhất hành tinh).
Qua khá nhiều trận đấu tôi xem thời đó, tôi đã nhận ra bản thân dành một tình cảm đặc biệt cho đội tuyển Ý khi được nuôi dưỡng từ giai điệu “Mùa hè Italia” của Gianna Nannini với những đếm nghe đài bình luận đến những đêm thức trắng theo dõi các trận đấu qua chiếc TV cổ xưa.
Và có lẽ vì vậy, bản thân tôi đã tự thấm nhuần và học được một số điều mà đội tuyển này cũng như môn bóng đá này đem lại.
Đừng bỏ cuộc khi mọi thứ chưa kết thúc
Ngoài xem những trận đấu của tuyển quốc gia, tôi còn hay theo dõi một số trận đấu cấp câu lạc bộ và thật may mắn khi tôi được chứng kiến trận đấu chung kết Champions League vào năm 1999.
Trong lịch sử môn thể thao vua, có những cuộc lội ngược dòng không tưởng được ví von là “cần được ghi vào sách giáo khoa” và điều này càng chứng tỏ câu nói của ông cha ta: “30 chưa phải là Tết”.
Vào phút 90 trong trận chung kết đó, Oliver Kahn và các đồng đội tin rằng đội bóng của họ ( Bayern Munich ) đã vô địch nhưng thật trớ trêu vào phút bù giờ thứ 2 họ đã để Manchester United ghi liền 2 bàn chỉ trong 2 phút. Đây có lẽ là một kỷ niệm rất đẹp và in hằn trong các cổ động viên Quỷ đỏ.
Sau khi chứng kiến thất bại đó của “hùm xám”, tôi đã nhận được bài học đầu tiên: Khi vẫn còn cơ hội, hãy chiến đấu và làm mọi thứ có thể đến phút cuối, có thể bạn không thành công nhưng bạn sẽ tự hào rằng mình đã cố hết sức và nếu bạn thành công thì đó thật sự là “quả ngọt” trong sự nỗ lực.
Chẳng điều gì là không thể xảy ra trong bóng đá, đây chính là lý do khiến môn thể thao này trở thành thể thao vua và được cá nhân tôi cùng nhiều người yêu mến.
Thất bại là mẹ thành công
“Thất bại là mẹ thành công” là một câu tục ngữ mà tôi được ông bà, cha mẹ truyền dạy từ lâu nhưng hồi bé vẫn chưa thực sự hiểu được và cũng chưa chứng kiến được ví dụ nào trong cuộc sống. Thế nhưng bóng đá đã đem điều đó đến với tôi.
Năm 2004, Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo thua trận trong chung kết Euro ngay trên sân nhà trước Hy Lạp, khi đó “CR7” mới chỉ là một tài năng triển vọng 19 tuổi, còn “bồng bột” tuổi trẻ ham hố biểu diễn kỹ thuật, anh đã khóc tức tưởi sau thất bại.
Đến năm 2016, Ronaldo đã trải qua vô vàn trận chiến, dày dặn kinh nghiệm hơn, thay vì biểu diễn, anh chơi một lối chơi đồng đội, thứ bóng đá hiệu quả và dẫn dắt đồng đội đến với trận chung kết.
Mặc dù phải rời sân trong nước mắt và đau đớn ở ngay những phút đầu của trận chung kết, tưởng rằng như mọi thứ sẽ lại giống với nỗi thất vọng 2004 nhưng đội tuyển Bồ Đào Nha đã đánh bại tuyển Pháp và dành chức vô địch, đây có thể nói là một thành công, một chiến thắng muộn màng sau 12 năm đứng dậy sau thất bại của C.Ronaldo.
Không bao giờ là quá muộn để học hỏi và trưởng thành sau cú ngã của mình, đây là điều thứ hai mà tôi học được từ bóng đá.
Kẻ thất bại vẫn có thể trở thành nhà vô địch vào một ngày nào đó.
Hãy cứ can đảm như những chú lính chì
Năm 1992, đội tuyển Đan Mạch đánh bại Đức 2-0 để lên ngôi vô địch châu Âu. Trên đường đến với trận chung kết, họ vượt qua Pháp và Hà Lan - đều là những đội tuyển cực mạnh trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá.
Giống như đội tuyển Hy Lạp 2004 đánh bại Bồ Đào Nha với đội hình không có cầu thủ nổi tiếng nào và được nhận định là “kẻ lót đường” trong giải đấu nhưng họ đã vô địch.
Đan Mạch cũng vậy, sở hữu một đội hình khiêm tốn nhưng với ý chí cùng quyết tâm và lối chơi chặt chẽ, đoàn kết họ đã lên ngôi vô địch Euro và viết lên câu chuyện cổ tích mà sau này được đặt với cái tên “ Truyện cổ tích của những chú lính chì Đan Mạch dũng cảm” được lấy cảm hứng từ câu truyện cổ tích “Chú lính chì dũng cảm” của tác giả người Đan Mạch là Hans Christian Andersen sáng tác.
Nếu như giấc mơ được củng cố bằng niềm tin và quyết tâm cùng sự nỗ lực không mệt mỏi thì chẳng điều gì là không thể. Đây là một bài học thứ ba mà tôi học được qua bóng đá và cũng là bài học mà tôi thích nhất.
Comments