Đối với nhiều bạn trẻ 9x, truyện tranh hay manga là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ, một trong số đó chính như Doraemon, Hikaru - Kì thủ cờ vây, 7 viên ngọc rồng, One Piece,... Mỗi bộ truyện đều có tính lịch sử, biểu tượng và giá trị thẩm mỹ, đạo đức và đó là một phần gắn liền với những đứa trẻ thế hệ 9x.
Những khái niệm đầu tiên về cuộc sống
Hẳn sẽ có rất nhiều đứa trẻ giống tôi, ít nhất một lần từng ao ước rằng mình cũng được gặp Doraemon, muốn được mượn những món bảo bối nào đó để cứu nguy trong những tình huống bí bách. Và đối với đứa học sinh lười học như tôi thì lúc nào cũng muốn có món bảo bối “Bánh mì giúp trí nhớ” để làm “phao” trong lúc thi cử.
Hay lại có những bạn thèm muốn một siêu năng lực nào đó giống Songoku để có thể bay, “dịch chuyển tức thời”, sức mạnh “Saiyan” để có thể đến, làm mọi điều bản thân ao ước. Đơn giản hơn là muốn được trở nên tự do, phiêu lưu cùng những người bạn như trong truyện Đảo Hải Tặc (One Piece).
Nhưng dù có mở rộng cuộc phiêu lưu bên ngoài vũ trụ, dù chiến đấu tại một thế giới mà sức mạnh đến mức “thần thánh hóa” thì Doraemon vẫn là một nơi của những bạn nhỏ với những mối quan hệ gia đình, bạn bè và những nỗi lo hàng ngày.
7 viên ngọc rồng vẫn là một nơi có những tội phạm, cướp giật, Songoku vẫn phải chiến đấu với những kẻ thù ngày càng mạnh giống như việc mỗi chúng ta ngày càng phải đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống để trưởng thành.
Trong mỗi câu chuyện, luôn có ranh giới giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu, mỗi một bộ truyện đều họa lên những “gam màu sự thật”, không lý tưởng hóa cuộc sống quá nhiều mà thay vào đó là ẩn dụ qua những câu chuyện, hình ảnh từ thực tế.
Truyện tranh là ký ức, là tuổi thơ của nhiều người và đó cũng là một phần của việc nuôi dưỡng tâm hồn, chúng tôi lớn lên cùng với những mẩu truyện tranh và cũng học được nhiều điều khi lớn lên thông qua những câu chuyện đó.
Truyện tranh cất giấu một phần tuổi thơ
Thế hệ 9x chúng tôi lớn lên trong một thế giới nhiều biến động của thời cuộc và chuyển đổi của thế hệ. Có thể bây giờ, nhiều bạn trẻ tầm tuổi tôi không phải đợi hàng tháng trời cho một tập truyện được in mới, hay cũng không phải chắt chiu từng đồng để đi thuê truyện đọc. Công nghệ phát triển và hiện đại nên thế hệ 10x hoàn toàn có thể tìm kiếm những niềm vui ở những món đồ công nghệ, xa xỉ hơn trước.
Sẽ là không khách quan khi nói rằng một tuổi thơ của con người có thể thay đổi qua những cuốn truyện tranh, hay sẽ đẹp hơn và đáng nhớ hơn khi từng là có những trải nghiệm như vậy. Nhưng nếu bạn là một người có những tuổi thơ giống tôi, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một ký ức đẹp của tuổi thơ hay rút ra những bài học đầu đời về chân - thiện - mỹ. Ai cũng phải lớn lên và đấu tranh cho niềm tin và giá trị của bản thân. Và nếu như bạn hiểu được điều đó sớm hơn thì đó sẽ là một món quà giá trị của tuổi thơ.
Truyện tranh là cốt lõi của sự yêu thích đọc
Lớn lên đồng nghĩa với việc phải tiếp cận, va chạm nhiều điều mới mẻ hơn, những thứ tôi được đọc bây giờ không chỉ là những nét vẽ manga. những câu chuyện phiêu lưu nhiều màu sắc mà giờ là dòng chảy của tri thức.
Và nếu như không có những cuốn truyện hấp dẫn, lôi cuốn từ ngày bé thì có thể tôi cũng sẽ không bao giờ có thể tạo được một thói quen đọc sách, tôi sẽ không bao giờ nhận ra “đọc” là một niềm vui đến nhường nào.
Những cuốn truyện tranh cũ kĩ mua từ số tiền tích góp vẫn ở đó như nhắc tôi rằng dù ngày bé đọc truyện chỉ là một hoạt động giải trí, tiếp nhận những câu chuyện đơn giản, vui tươi nhưng đến giờ nó đã trở thành khởi nguồn của thói quen đọc sách, phương tiện dẫn lối bản thân đến những thứ lớn lao và nhân văn hơn. Đừng chỉ yêu những cuốn sách lộng lẫy, mới cứng, cũng đừng chê bai những cuốn truyện rách bươm mà hãy yêu lấy sự đọc.
Comments