Ngày nay, trong xã hội hiện đại, khi mọi thứ đang dần trở nên tân tiến và cuộc sống ngày càng hối hả thì ký ức về một ngày lễ Trung thu giản dị, luôn đầy ắp sự háo hức, sự đợi chờ những tiếng múa lân rộn ràng, những món đồ chơi đặc trưng dần chỉ còn trong sự bồi hồi của thế hệ 8x 9x.
Đối với thế hệ 8x và 9x, Tết Trung Thu luôn là một dịp vô cùng đặc biệt và ý nghĩa. Ngày ấy, dù cuộc sống tuy vất vả nhưng trong suy nghĩ của cả người lớn và đặc biệt là trẻ nhỏ ai cũng háo hức đón chờ ngày lễ đặc biệt ấy.
Trung thu của “các bạn nhỏ” 8x 9x
Ngày nay, trước ngày lễ Trung Thu hay còn gọi là Tết Thiếu nhi, các cửa hàng, phố xá luôn được trang trí với đủ màu sắc, mang một không khí lễ hội trăng rằm nhưng điều đó không thể sánh bằng với cảm xúc, sự rộn ràng của 20 năm trước.
Hình ảnh so sánh phố xá ngày Trung thu xưa và nay. Ảnh: Internet
Khi ấy, Trung thu với các cô bé, cậu bé chỉ đơn giản là một chiếc đèn ông sao đủ sắc xanh, đỏ, tím vàng hay những chiếc đèn lồng cá chép làm từ khung tre, những chiếc mặt nạ hóa trang nhưng là một ngày lễ đầy đầy ắp tiếng cười với đám bạn trong xóm khi cùng nhau rước đèn trông trăng.
Những món đồ chơi gắn liền với ngày lễ. Ảnh: Zing, tainangviet
Thời đó, nhà nào cũng có không khí rộn ràng mỗi khi đón Trung thu, có thể nói không khí không khác gì một ngày Tết Nguyên Đán. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm cỗ Tết Trung Thu truyền thống với đủ loại quả như chuối, na,... bánh nướng thơm lừng, ngoài ra là có đèn ông sao, ông Phỗng. Mâm cỗ này không phải làm để cúng tổ tiên mà để bày dưới sân nhà cùng với một ấm nước hoặc bình nước sạch.
Mâm cỗ Trung thu xưa. Ảnh: quadayroi.com.
Và đặc biệt nhất, đó chính là phần phá cỗ Trung thu của những đứa trẻ, khi đó hễ có trẻ con dưới 16 tuổi sẽ được nhận kẹo bánh dù thời xưa không nhiều nhưng bánh kẹo là một nét đặc trưng bắt buộc phải có được lưu giữ đến ngày nay.
Phá cỗ xong là lúc cả đám trẻ được rước đèn, xem múa lân, chơi các trò chơi dân gian, nào là trốn tìm, cướp cờ, nhảy lò cò, trò cam, quýt, mít, dừa hay trò chơi chuột nhử mèo,...
Hình ảnh trẻ nhỏ vui vẻ đón trăng cùng chiếc lòng đèn. Ảnh: ohman.vn
“Còn nhớ cứ đến đêm trăng rằm, bạn bè trong ngõ lại gọi nhau, ai nấy đều chẳng cần ăn uống gì mà theo nhau chạy ra đường mặc cho bố mẹ gọi lại. Dù kết quả là bị ăn đòn nhưng thật sự nghĩ lại vẫn rất vui” Tuấn Linh - 25 tuổi chia sẻ kỷ niệm ngày còn bé.
Những thú vui của trẻ em ngày xưa
Thời ấy, không chỉ có những trò chơi dân gian rước đèn, đeo những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống mà còn là những lần chạy ra sân trước Nhà hát Cải lương 72 Hàng Bạc để ngồi xem văn nghệ.
Đối với Tết ngày xưa sẽ có đốt pháo thì đối với Tết Trung thu cũng vậy, thời xưa trẻ em đều chắc chắn rất hào hứng với trò chơi đốt pháo hạt bưởi.
Gần như đến ngày Rằm tháng Tám, sau mỗi lần ăn bưởi, những đứa trẻ sẽ đi thu gom hạt bưởi và mang về phơi. Số hạt bưởi này sau khi phơi sẽ được xâu vào những sợi dây thép nhỏ, tạo thành các tràng dài và đặc biệt những tràng hạt có chứa tinh dầu khi đốt sẽ tỏa ra mùi hương rất dễ chịu.
Hình ảnh minh họa đốt pháo hạt bưởi. Ảnh: baohaiduong.vn
Cuộc sống hiện đại và tất bật đang dần làm lu mờ đi những cái đẹp của Tết Thiếu nhi và chỉ còn lại trong những câu chuyện kể hay những ký ức của thế hệ 8x 9x về một ngày lễ rước đèn ngắm trăng.
Mặc dù vậy, Tết Trung Thu ngày nay vẫn không hề thay đổi ý nghĩa, sẽ vẫn là những buổi gia đình sum vầy, những món đồ chơi mới hơn, những buổi phá cỗ trong các khu nhà sinh hoạt,... và cả một không khí khác biệt với thời xưa.
Comments