Từ cái hồi mà bản thân bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh, chiếc tivi xuất hiện tại phòng khách của gia đình tôi. Thời đó, tivi giống như cánh cửa thần kì của Doraemon vậy, chỉ cần chúng tôi vặn nút hay bấm nút là cánh cổng ấy sẽ mở ra muôn vàn thế giới diệu kỳ.
Những chiếc tivi thùng hay còn gọi là tivi hộp là một trong những kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 9x chúng tôi, chiếc tivi ấy đã đưa chúng tôi đi khắp thế gian, qua mọi vùng trời và khám phá tất cả những thế giới khác nhau qua những bộ phim cùng nhiều chương trình phát sóng.
Buổi trưa: Thế giới của “giang hồ” và chưởng pháp
Đối với nhiều đứa trẻ, buổi trưa là thời điểm kinh hãi nhất khi lúc nào cũng sẽ bị bắt nằm im và đi ngủ. Việc không được chơi, được xem, được nói chuyện chả khác nào tước đoạt đi sở thích duy nhất của chúng tôi ngày đó. Và bên cạnh nỗi lo phải đi ngủ buổi trưa thì đó là một sự háo hức, một sự chờ đợi của những bộ phim võ hiệp phát sóng vào khung giờ trưa.
Không biết từ năm nào tôi đã yêu thích và xem những bộ phim trưởng được chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả Kim Dung, đó là một thế giới “giang hồ” bụi bặm, chất phác nhưng không kém phần hào hùng và máu lửa.
Mong muốn trở thành những vị đại anh hùng, võ lâm chí tôn bảo vệ những người yếu thế đã tồn tại trong tâm trí của tôi mỗi khi xem phim vậy nên chẳng lạ gì khi hình tượng của những vị hảo hán, cao thủ võ lâm hi sinh vì nghĩa lớn luôn theo tôi đến tận bây giờ.
Lũ trẻ con chúng tôi luôn giữ một niềm tin sắt son rằng chỉ cần khổ luyện với những ngón đòn giơ chân, chưởng tay thì sẽ có ngày trở thành những Quách Tĩnh, Dương Quá hay Kiều Phong… việc có sức mạnh đó sẽ giúp chúng tôi “hành hiệp trượng nghĩa” xua đuổi những kẻ bắt nạt hay chỉ để trốn những trận đòn của ba mẹ.
Lớn lên rồi mới biết trên đời làm gì có ai đi được trên không, phóng ra những luồng khí chưởng,... thế nhưng những bộ phim kiếm hiệp thời đó đã mang lại cho chúng tôi những kỷ niệm đáng nhớ và những giá trị về cuộc sống, những đức tính của một người trượng nghĩa.
Buổi chiều: “Vứt” balo và đến giờ xem phim
Cứ tầm 4 giờ rưỡi 5 giờ kém, khi tiếng trống tan trường vang lên, tôi lại vội vã về nhà để kịp giờ xem những bộ phim yêu thích.
Năm 2004, HTV3 - kênh giải trí dành cho thiếu nhi và thanh niên - chính thức gia nhập thị trường truyền hình. Một thế giới mới lạ mang tên anime đã mang đến cho tôi vô vàn những điều thú vị mà đến nay tôi vẫn tiếp tục đắm chìm trong không gian đó.
So với phim truyền hình, khi xem hoạt hình có một cảm giác nội dung được lưu trữ trong trí nhớ của tôi nhiều hơn. Nếu như những bộ pháp, kinh thư trong các phim kiếm hiệp chỉ còn là màn sương kí ức thế nhưng trong bộ não tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Conan phá án thông qua thám tử Mori bằng cách “bắn” mũi thuốc ngủ thông qua chiếc đồng hồ trên tay.
Năm 2005, làn sóng phim thần tượng Đài Loan kéo đến, đối với thể loại này thật sự mà nói không hấp dẫn lắm với cá nhân tôi nhưng đây là một trong những bộ phim mà kể cả đối với những người không thích cũng sẽ xem ít nhập một tập. Xem những bộ phim tình cảm kiến hầu hết những lứa trẻ 9x chúng tôi có một loại tự hào là mình đã lớn, đã trưởng thành để bước vào thế giới của “người lớn”.
Buổi tối: Cả nhà quây quần xem “phim bi”
Nếu khung giờ chiều là những bộ phim dành cho tụi trẻ con, thì giấc tối là lúc các bố mẹ vào cuộc. Giai đoạn đầu 2000 là lúc những bộ phim bi Hàn Quốc (được gọi là melo-drama) chiếm sóng truyền hình. Sau chiến tranh Hàn Quốc, nỗi buồn trở thành yếu tố chủ đề trong những bộ phim của xứ sở này, kéo dài đến những năm đầu thế kỉ 21.
Có cảm giác làn sóng phim bi thời điểm ấy đã lan khắp châu Á. Hồi đó ba tôi hay mở “Hành trình của Tam Mao”, một bộ phim Trung Quốc, kể về cậu bé mồ côi chiến đấu với cuộc đời để được tồn tại. Còn ở Việt Nam, không thiếu những cảnh An chứng kiến ba mình mất trong Đất Phương Nam, hay người phụ nữ có được tình yêu của cuộc đời mình sau bao bão giông rồi cũng phải chủ trì tang lễ cho anh trong Người Đàn Bà Yếu Đuối.
Những bộ phim buồn cho phép con người đối mặt với cảm xúc của mình, thêm vào đó, thấy người khác đối diện với khó khăn cũng là nguồn động lực để người xem vươn lên trong cuộc sống hiện tại. Có thể trong những ngày mỏi mệt, ba mẹ tôi đã chầu chực ‘phim bi’ như một cách giải tỏa khắc nghiệt trong cuộc sống chăng?
Comments