Năm nay, ngày lễ Tết Hàn thực sẽ rơi vào Chủ nhật ngày 3/4/2022 Dương Lịch. Vào ngày này, các gia đình Việt Nam sẽ thường làm bánh trôi, bánh chay để cúng gia tiên. Qua nhiều, bánh trôi, bánh chay đã trở nên hiện đại hơn, mang vẻ sáng tạo của người Việt.
Hình vẽ minh họa bánh trôi bánh chay. Ảnh: Pinterest
Bánh truyền thống và những câu chuyện xoay quanh
Đối với nhiều người, đặc biệt là các thế hệ 8x và 9x đời đầu, ngày Tết Hàn thực sẽ gợi lại những ký ức thời còn bé khi đòi ngồi với mẹ nặn bánh vì tò mò hay chỉ muốn “nghịch” là chính.
Hồi đó, những người mẹ phải xay bột bằng chiếc cối đá gần chục cân, nén đá rồi ủ bột qua đêm mới có thứ cho những đứa trẻ hồn nhiên, nghịch ngợm ngồi nhào nặn. Những hình ảnh ấy dường như chỉ còn trong tâm trí của thế hệ 8x, 9x đời đầu bởi thời hiện nay bánh trôi bánh chay đã được làm đơn giản hơn bởi bột đã được bán sẵn.
Hình ảnh minh họa công đoạn làm bánh trôi. Ảnh: Pasgo
“Nếu như được hỏi về món ăn đầu tiên mình cùng mẹ nấu, mình nghĩ đó chính là món bánh trôi, hồi ấy mẹ mình ngồi viên những chiếc bánh trôi tròn xoe còn mình ngồi cạnh chỉ nghịch bởi bột rất giống đất sét, vô cùng thú vị” - bạn Minh Anh vui vẻ nhớ lại.
Hai món bánh truyền thống ngày Tết Hàn Thực. Ảnh: Meta
Nếu như Tết Nguyên Đán có bánh chưng, bánh dày thì Tết Hàn thực có bánh trôi bánh chay. Bánh trôi truyền thống là một phiên bản với lớp bột bánh màu trắng được làm từ bột nếp, bột tẻ; nhân bánh là những viên đường phèn cắt hạt lựu.
Có thể nói, bánh trôi là một thức quà dung dị dễ làm dễ ăn, không nhiều màu sắc. Thế nhưng, món bánh trắng trắng, tròn tròn này không những là một nét đặc trưng của ngày lễ mà còn là cảm hứng của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật từ “Bánh trôi nước” buồn man mác của Hồ Xuân Hương.
Hình ảnh bánh trôi hay gắn liền với nhà thơ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Internet
Bên cạnh bánh trôi không thể thiếu bánh chay luôn song hành. Bánh chay là loại bánh có vỏ giống bánh trôi nhưng được nặn từng viên to hơn với nhân bánh đậu xanh được hấp chín cùng với đó là nước đường với nguyên liệu được quấy bột sắn dây hoặc bột đao với nước đường kèm một chút nước gừng.
Hình minh họa bánh chay. Ảnh: Lao Động
Bước tiến từ truyền thống?
Ngày nay, các em nhỏ đã dần không còn có cho mình một tuổi thơ với việc ngồi cạnh mẹ “nặn” những chiếc bánh trôi, các gia đình cũng ngày một ít đi thói quen làm bánh trôi bánh chay bởi sự tất bật của cuộc sống hiện đại, thay vào đó họ sẽ đi mua những chiếc bánh làm sẵn.
Dù trong hoàn cảnh như vậy, truyền thống làm bánh trôi bánh chay vẫn không hề mất đi mà còn ngày một cải biến hiện đại theo cách tích cực. Khi mọi thứ ngày càng phát triển và nhu cầu về ẩm thực cũng được tăng cao. Bên cạnh hương vị còn phải là về mặt thẩm mỹ, chính vì vậy những chiếc bánh trôi bánh chay ngày nay đã được nhiều người cải tiến và cho ra những chiếc bánh rất sặc sỡ về màu sắc và cả hình thù.
Bánh trôi bánh chay ngũ sắc là một văn hóa mới trong ngày Tết Hàn thực. Ảnh: VTC News.
Nếu như ví bánh trôi truyền thống với tác phẩm “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương thì những chiếc bánh trôi ngũ sắc ngày nay chính là ca khúc “Bánh trôi nước” của Hoàng Thùy Linh.
Đó là những chiếc bánh trôi đầy sức sống, đa dạng về màu sắc, sinh động và không kém phần hấp dẫn khi kết hợp với bánh trôi truyền thống bao gồm những gam màu chủ đạo như vàng, đỏ, xanh, nâu,... nguyên liệu chính của những màu sắc này chính là sản phẩm từ thực vật vô cùng an toàn như củ dền, hoa đậu biếc, bột cacao, lá dứa,...
Ngoài ra, còn có những loại bánh biến tấu hiện đại hơn nữa với vô cùng nhiều hình thù khác nhau. Nhân bánh cũng được biến tấu khi có những loại được làm thuần chay bằng các loại kẹo, socola,...
Hình ảnh bánh trôi bánh chay hiện đại. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.
Bánh hiện đại mang một nét duyên dáng mới mẻ, lạ lẫm và hấp dẫn nhưng vẫn giữ nguyên được bản chất của những chiếc bánh truyền thống. Điều này giúp ngày lễ Hàn thực nói riêng và văn hóa ẩm thực nói chung sẽ thêm một bước tiến mới mà vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống.
Comments