top of page
Nguyễn Thúy

Nghệ thuật rối nước – tuổi thơ của 8X, 9X xoay sở thế nào để tồn tại và phát triển?

Từng là một phần tuổi thơ của nhiều 8X, 9X, nghệ thuật rối nước đang loay hoay tìm “đất sống” trong xã hội hiện đại. Hãy cùng lắng nghe nghệ nhân Đinh Thế Văn (làng Đào Thục ở huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ những nỗi niềm trong hành trình giữ nghề nơi xứ kinh kỳ.


Cho tới nay, nghệ nhân Đinh Thế Văn vẫn dành trọn tình yêu, “một lòng một dạ" với múa rối nước. Ảnh: Nguyễn Thúy.


PV: Hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều phường rối tạo nên nét văn hoá bản địa dân tộc Việt, ông có thể chia sẻ điểm khác biệt của Đào Thục so với phường rối khác?


Nghệ nhân Đinh Thế Văn: Rối nước Đào Thục có màn đốt pháo bật cờ khai mạc và dùng nhân vật Ba Khí giáo trò (Ba khí là đại diện chung cho cả hình ảnh người nông dân Bắc Bộ và anh Ba Khía Miền Nam) đại diện cho cái khí phách của người Việt chứ không chỉ là chú Tễu - anh nông dân đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa như các phường rối khác.


Nếu như ở các phường rối khác, các con rối chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo thì ở Đào Thục, các nghệ nhân có thể điều khiển con rối sang trái, sang phải và đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Để điều khiển con rối, những nghệ nhân ở đây sử dụng loại máy sào dây giúp con rối có thể lắc đều và vung vẩy được cả hai tay.


Từng động tác của những con rối được trình diễn thuần thục, ăn khớp với lời thoại, lời hát và tiếng trống, tiếng đàn của người nghệ sĩ. Hơn 20 tích trò được các nghệ nhân tái hiện trong các vở diễn. Đây là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá và các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa hay những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc.


PV: Được biết, để có được một tiết mục biểu diễn, các nghệ sĩ phải dàn dựng, chuẩn bị con rối, tập luyện rất nhiều ngày. Vậy trong quá trình đó, ông phải đối diện với những khó khăn?


Nghệ nhân Đinh Thế Văn: Người ta hay nói trêu rằng, lưng vốn của Đào Thục giờ có vài chục nghệ sĩ nông dân, ngày làm kinh tế, tối dầm mình trong nước lạnh với bảy sắc cầu vồng sân khấu rối.


Bởi bên ngoài sự vui mừng, háo hức của khán giả, những tràng vỗ tay không ngớt trước một tích trò hay. Đằng sau bức màn che, những người trình diễn như chúng tôi phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ trong làn nước lạnh ngập đến ngang hông để điều khiển các con rối bằng hệ thống dây được bố trí bên ngoài và dưới nước.



Mỗi con rối đều mang một ý nghĩa đặc biệt và được chế tác tỉ mỉ, công phu. Ảnh: Nguyễn Thúy


PV: Gắn bó với nghệ thuật múa rối nhiều năm, ông đánh giá múa rối nước ta đang ở giai đoạn nào?


Nghệ nhân Đinh Thế Văn: Một năm, phường chỉ diễn vài lần nhân dịp hội làng hoặc Tết Nguyên đán, chủ yếu phục vụ bà con trong thôn và các vùng lân cận tới. Giới trẻ thì có nhiều loại hình giải trí để chọn lựa nên hiếm lắm mới thấy có người xem nếu không muốn nói là không có.


Múa rối nước không chỉ kén người, cần một lượng kinh phí biểu diễn lớn, mà ngay cả công đoạn múa rối, bảo quản rối cũng là bài toán. Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19, khách du lịch và thăm quan không thể đến để xem được. Việc bảo quản các con rối trong thời gian này cũng vô cùng khó khăn và vất vả. Hoạt động múa rối nước cũng độc lập, không có sự hỗ trợ của chính phủ.


Bao lớp người có tâm, có tài, đam mê với nghệ thuật rối nước, nhưng tất cả đều “rút lui” vì “miếng cơm manh áo”. Bởi, một ngày công múa rối cũng chỉ được 100 nghìn đồng nhưng có khi phải ngâm mình dưới nước lạnh hàng tiếng đồng hồ, trong khi làm nghề khác thu nhập lại khá hơn...


Bên cạnh đó, diễn viên và nghệ nhân ở Đào Thục là bán chuyên nghiệp. Bao lớp người có tâm, có tài, đam mê với nghệ thuật rối nước, nhưng tất cả đều “rút lui” vì “miếng cơm manh áo”. Bởi, một ngày công múa rối cũng chỉ được 100 nghìn đồng nhưng có khi phải ngâm mình dưới nước lạnh hàng tiếng đồng hồ, trong khi làm nghề khác thu nhập lại khá hơn...


PV: Có nhiều ý kiến cho rằng múa rối là loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc trưng, việc đổi mới múa rối dễ làm mất bản sắc. Vậy khi đổi mới múa rối để phù hợp với thị hiếu của công chúng cần lưu ý những gì, thưa ông?


Nghệ nhân Đinh Thế Văn: Sau mỗi buổi diễn, nhiều khán giả nhận xét rằng các trò được nhân bản và dập khuôn. Giống nhau từ kịch bản, đường nét biểu diễn, lời thoại nhân vật đến tạo hình con rối, âm nhạc thể hiện.


Chính vì vậy, vừa muốn bảo tồn, vừa muốn phát triển để phù hợp với thị hiếu thì phải nghiên cứu thêm những trò diễn mới, cải tiến thêm để phù hợp cho việc biểu diễn ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, phải phát triển từ vốn của mình có, từ cái gốc của mình. Bởi trong mỗi khúc gỗ vô tri, vô giác, trong mỗi quân trò rối đều chất chứa nhiều lớp văn hóa lịch sử. Mỗi quân rối, mỗi trò rối nổi chìm trên mặt nước đều phản ánh muôn ngàn câu chuyện. Nó nói lên tất thảy những cảnh sinh hoạt đời thường “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, cách trồng lúa nước đến những vở kịch hài hước, trào phúng, châm biếm; rồi cả những bài học về lịch sử, về đạo lý, về nhân tình thế thái...


Tôi đang có dự định sẽ làm những tiết mục về bảo vệ môi trường, mỗi tiết mục sẽ tầm 20 phút đổ lại. Trong tiết mục sẽ có những sáng tạo để thêm phần hấp dẫn như đoạn cuối sẽ có hình bàn tay ôm quả cầu từ trong nước lên tượng trưng cho trái đất chẳng hạn.



Múa rối nước từng là một phần tuổi thơ của nhiều 8X, 9X. Ảnh: Page Múa rối Đào Thục.


PV: Ông có thể chia sẻ thêm về mong muốn thực hiện với rối nước Đào Thục trong thời gian sắp tới?


Nghệ nhân Đinh Thế Văn: Trước đây, người ta vẫn nghĩ rối là dành cho trẻ con, rối nước dành cho khách du lịch xem. Chính vì vậy, cần mở rộng đối tượng khán giả xem, không chỉ dừng lại là thiếu nhi hay khách quốc tế mà phải hướng đến khán giả đại chúng. Đặc biệt là ngay cả người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa cũng biết đến múa rối nước.


Điều quan trọng là mình dựng tiết mục như nào, khai thác đề tài ra sao, xác định đối tượng khán giả để nội dung vở diễn phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, để tiếp cận, đến gần hơn với công chúng trong thời đại online, có lẽ mỗi người nghệ nhân chúng tôi cần biết cách khai thác các nền tảng số nhằm lan tỏa, truyền bá loại hình nghệ thuật này. Các hình thức như livestream, ghi hình và phát lại trên Youtube, Facebook… nên được áp dụng rộng rãi. Đó có lẽ là cách tốt nhất để nghệ thuật rối nước không bị bỏ lại phía sau trong xã hội hiện đại.



12 views0 comments

Comments


GIỚI THIỆU

Blog “1990s” là nơi cóp nhặt và lưu giữ những hình ảnh và kỷ niệm đẹp về tuổi thơ thế hệ 8x và 9x đời đầu. Trang Web được thành lập bởi nhóm sinh viên lớp Báo Mạng Điện Tử CLC K39 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

ĐĂNG KÝ ĐỂ KHÔNG BỎ LỠ THÔNG TIN!

Cảm ơn bạn đã đăng ký

TIN NỔI BẬT

  • Facebook
  • Instagram
  • TikTok
bottom of page