Sách được coi là kho tàng tri thức của nhân loại. Không chỉ chứa đựng những giá trị nhân văn về mặt nội dung, sách còn có khả năng "thần kỳ" hơn là đưa mọi người ngược dòng thời gian, chìm vào trong ký ức quá khứ từ thuở xa xưa. Hãy cùng 1990S điểm tên những cuốn sách hoài niệm ký ức tuổi thơ một thời nhé!
"CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ" - NGUYỄN NHẬT ÁNH
Là một trong những sáng tác thành công nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" gây ấn tượng với dòng nhắn nhủ: "Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em"
Trong cuốn truyện ngắn, nhà văn mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trở lại thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của 4 bạn nhỏ. Những trò chơi dễ thương thời bé, tính cách thật thà, thẳng thắn một cách thông minh và dại dột, những ước mơ tự do trong lòng… Đối với những người trẻ, đây là cuốn sách giúp họ hiểu hơn về một thời "tuổi thơ dữ dội" của thế hệ trước. Còn với những ai đã trưởng thành, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" mang tới cho họ những xúc cảm đặc biệt về một thời vô tư, trẻ dại.
"Chi Chi Chành Chành – Tuổi Thơ Để Dành" - HÀ NỘI VI VU
Năm tháng nào rồi cũng qua đi, khoảnh khắc nào rồi cũng xếp vào ký ức dù là vui hay buồn. Tuổi thơ cũng vậy, nó đã đi về miền ký ức, tuy nhiên những gì mà nó để lại mãi đong đầy trong mỗi chúng ta khó mà lãng quên.
Tuổi thơ qua đi để lại một miền kí ức đẹp đẽ đơn thuần mà sẽ có một phút giây nào đó trong cuộc đời, chúng ta – những người đã trưởng thành thèm khát tới tột cùng được quay trở lại ngày thơ ấy.
Cuốn sách “Chi chi chành chành – Tuổi thơ để dành” ra đời giúp độc giả quay trở về tuổi thơ qua những trò chơi dân gian, những ca khúc thiếu nhi đã in sâu trong tâm trí chúng ta thuở bé. Với tất cả những kí ức ngọt ngào về tuổi thơ mà tất cả chúng ta ai cũng luôn trân quý, nhóm tác giả Hà Nội vi vu mong muốn đem những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam đến với tất cả bạn bè trong và ngoài nước, tặng lại kỉ niệm ấu thơ cho những người đã đi qua, và đem tới một tuổi thơ trong trẻo cho các bạn nhỏ ở khắp nơi trên dải đất chữ S.
"199 MẤY - HỒI ẤY LÀM GÌ?" - tRANG NEKO & X.LAN
"199 mấy - Hồi ấy làm gì?" không chỉ là câu chuyện tuổi thơ của hai tác giả 8X Trang Neko và họa sĩ X.Lan mà còn của tất cả thế hệ những ai đã sống trong giai đoạn những năm 1990 tại Việt Nam.
Cuốn sách gồm hai phần: những câu chuyện về nơi ở, về những hoạt động, sinh hoạt cộng đồng mà gần như đứa trẻ nào ở những năm 1990 cũng từng được trải qua như: chuyện vui chơi xung quanh khu tập thể, những trào lưu nở rộ thời bấy giờ như nghe nhạc người lớn, sinh hoạt hè và tập thể dục nhịp điệu, phá cỗ trung thu, đốt pháo ngày Tết hay những trò chơi mà chỉ thời ngày xưa mới có như chơi đồ hàng bằng lon sữa bò…; phần hai là hình ảnh của những đồ vật - kỷ vật tuổi thơ như đồ chơi, truyện tranh hay những bộ phim kinh điển mà thế hệ 8X đến giờ vẫn còn nhớ.
"BAO GIỜ CHO ĐẾN NGÀY XƯA" - TUYỀN NGUYỄN
Với chủ đề về đồng quê và tuổi thơ, truyện dài Bao giờ cho đến ngày xưa của Tuyền Nguyễn giống như một gia vị lạ trong nhiều tản văn, truyện ngắn luôn tràn ngập các hiệu sách trong những năm gần đây.
Cuốn sách được viết từ những cảm xúc và kỉ niệm của cô bé Tuyền khi phải xa gia đình từ lúc còn nhỏ để về sống với gia đình chú Sáu khi bà Ngoại qua đời. Ở nơi thôn quê chân chất này, cô bé có những người bạn mới cùng những tháng ngày không thể nào quên. Mỗi chương là một câu chuyện hồn nhiên của tuổi thơ đầy sinh động trên cánh đồng làng quê Việt Nam khiến người đọc cảm thấy gần gũi như tìm thấy một phần ký ức của mình trong đó.
Comments