top of page
Thu Hiền

Những từ lóng chỉ game thủ 8x, 9x đời đầu mới hiểu

Nhiều thuật ngữ đi cùng năm tháng mà chỉ các game thủ ‘già cỗi’ mới có thể hiểu được.


Các game thủ 8x, 9x đời đầu có thể cảm thấy may mắn. Bởi tuổi thơ của họ trải dài từ thời hoàng kim của điện tử bốn nút, đĩa mềm, đĩa cứng (gọi chung là máy chơi game console) cho tới thời đại của chuột và bàn phím máy tính, sang đến thời kỳ game online, webgame và giờ là thời của game mobile.


Trong suốt hàng chục năm đó, rất nhiều game đến rồi đi, chỉ có ký ức với những từ lóng ở lại, mà phải những ai trải qua mới có thể hiểu thấu.


Ăn hoang


Age of Empires (AOE) hay còn gọi là Đế chế, là một game offline kinh điển thống trị các quán net thời kỳ đầu thập niên 2000. Thời đó, trò chơi này có rất nhiều thuật ngữ, từ lóng mà dân ngoại đạo có nghe cũng không hiểu nổi như ăn hoang, lên đời, xe dò, xóc dân, vẩy E, sở thú, cơ động, tù, osin…


Mỗi từ đều chứa đựng những sự thú vị đằng sau nó, chẳng hạn ‘ăn hoang’ là hành động người chơi điều khiển dân đi săn bắt thú, ăn mỏ hoa quả ở rất xa nhà chính để kiếm lương thực lưu động. Hành động này trái ngược với ‘làm ruộng’ tức là cho dân xây ruộng quanh nhà chính để kiếm lương thực đều đặn.


Đi chợ, nhà hoa


Nhà hoa và chợ là các khung cảnh quen thuộc trong bản đồ Italy của trò chơi Half-Life. Thời đó, các địa danh trong game không được đặt tên cụ thể, do đó nó được gọi theo cách hiểu đại khái của người chơi.


Các địa danh như chợ, nhà hoa chính là mô tả sơ khai về các địa điểm như vậy trong Half-Life. Ngoài ra còn có nhà cướp, nhà cảnh, ngách nhỏ, mái vòm, cổng sau, cổng trước, hầm rượu, nóc nhà, nóc chợ...



Trong phần lớn các game có xếp hạng ngày nay, trình độ của người chơi thường được phân chia từ cấp độ gỗ, sắt, đồng, bạc, vàng đến kim cương và cao hơn thế. Nhưng trong trò chơi Gunbound ngày xưa, trình độ thấp nhất của game thủ là hình ảnh một chú gà con màu vàng.


Vì lẽ đó, từ ‘gà’ thường được gán cho những người mới tập tành chơi, chưa có trình độ kỹ năng nào cả.


Ngoài ra, ‘gà’ còn là một con vật xuất hiện trong bản đồ Italy của trò chơi Half-Life nói trên và thường xuyên bị người chơi làm thịt. Vì vậy, ngay từ xưa, từ ‘gà’ đã được dùng để mỉa mai những người chơi non kinh nghiệm.


Phá đảo


Game thủ gắn bó với trò chơi điện tử bốn nút chắc chắn không thể không biết đến trò chơi kinh điển Contra. Đây là một game bắn súng không chỉ nổi tiếng bởi cách chơi, mà còn phổ biến bởi dòng mã ăn gian huyền thoại: lên, lên, xuống, xuống, trái, phải, trái, phải, A, B.


Cũng như các game thời đó sử dụng toàn tiếng Anh, người Việt phải dùng tiếng lóng, Việt hóa bối cảnh, nhân vật theo cách hiểu của riêng mình. Trong đó, nổi tiếng nhất chính là phân cảnh cuối cùng khi tiêu diệt xong trùm cuối và nhân vật chính cho nổ tung hòn đảo trong game. Từ đó, khái niệm ‘phá đảo’ đã ra đời để chỉ việc người chơi đã hoàn thành xong một game nào đó (end game).


Quẩy


Quẩy lên có thể là một câu khẩu hiệu quen thuộc với dân bay, nhưng xuất phát điểm của từ ‘quẩy’ lại có nguồn gốc ra đời từ trò chơi MU Online.


Ngày đó, các game online được phát hành ở Việt Nam dưới dạng phiên bản lậu (private server), không có bản Việt hóa chính xác. Do đó, nhiều khái niệm trong game thường được gọi theo kiểu Việt hóa ‘thấy gì nói vậy’.


Nổi tiếng nhất trong số đó là kỹ năng Evil Spirits của lớp nhân vật Dark Wizard trong MU Online. Động tác của nhân vật trong trò chơi khi đó được game thủ gọi là ‘quẩy rồng’ hoặc ‘quẩy ma’. Về sau, khái niệm ‘quẩy’ được hiểu là làm nhiều động tác sôi động như nhân vật trong game năm nào.


Cũng trong trò chơi MU Online, thời đó chưa có tính năng tự động đánh, dẫn tới game thủ Việt đã sáng tạo ra cách đánh thủ công gọi là ‘cắm chuột’ hoặc ‘cắm tăm’. Việc này đơn thuần là cắm que tăm vào khe hở của con chuột sao cho nút click chuột bị kẹt lại dẫn tới nhân vật trong trò chơi tự động ‘quẩy’ liên tục.


Sax


Sax là kiểu viết xì-tin của giới trẻ vào thời đại thịnh hành của trò chơi Boom Online. Thời đó, nhân vật bị trúng bom sẽ không chết ngay mà bị bọc trong bóng nước, gọi là sặc nước. Từ đó, câu cửa miệng ‘sax’ đã ra đời như một từ cảm thán trước một sự việc bất ngờ xảy ra.


Xanh


‘Xanh’ (lá cây) ngày nay được dùng theo nghĩa vẫn còn non, chưa chín, chưa tới tầm. Tuy nhiên từ xưa đến nay, các game thủ đã dùng từ ‘xanh’ với nghĩa ngược lại.


Thời đó trong bản đồ DDay của Warcraft 3, những món đồ cộng chỉ số giúp tăng sức mạnh nhân vật có màu xanh, ngược lại là màu đỏ. Vì thế, người ta khi đó thường nói với nhau những từ đi kèm với từ ‘xanh’ theo nghĩa là chưa xanh (chưa đủ mạnh), đợi xanh (đợi đủ mạnh), xanh sớm (mạnh từ rất sớm), quá xanh (quá mạnh)...

Recent Posts

See All

Comments


GIỚI THIỆU

Blog “1990s” là nơi cóp nhặt và lưu giữ những hình ảnh và kỷ niệm đẹp về tuổi thơ thế hệ 8x và 9x đời đầu. Trang Web được thành lập bởi nhóm sinh viên lớp Báo Mạng Điện Tử CLC K39 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

ĐĂNG KÝ ĐỂ KHÔNG BỎ LỠ THÔNG TIN!

Cảm ơn bạn đã đăng ký

TIN NỔI BẬT

  • Facebook
  • Instagram
  • TikTok
bottom of page